Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta khi viết cho thế hệ thanh niên Việt Nam đã dạy:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Câu thơ trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lực lượng thanh niên không chỉ là lời hiệu triệu, động viên thanh niên Việt Nam tham gia vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc năm xưa; mà còn mãi như một lời dạy lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam cần phải rèn đức, luyện tài để viết tiếp những bài ca về thanh niên anh hùng Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, thanh niên nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác, đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong không khí tưng bừng kỉ niệm ngày thành lập đoàn thanh niện cộng sản Hồ Chí Minh, thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Tuổi nhỏ chí cao” sách dày 80 trang với khổ 19cm do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2021. Sách do Nhà văn Tô Hoài đã ghi chép những gương sáng của thiếu nhi trong cuộc kháng chiến chống Pháp những năm 1945-1950. Đây đều là những chuyện có thật, tác giả đã nghe kể hoặc có biết hoặc đọc sách báo thấy trong lúc kháng chiến. Ngoài ra, tác giả còn sưu tầm một số thư của Hồ Chủ tịch đã gửi các cháu và những bài viết về các em trong nước, ngoài nước.
Đến với cuốn sách “Tuổi nhỏ chí cao”, bạn đọc sẽ được gặp gỡ rất nhiều em nhỏ dũng cảm, kiên cường, nhanh trí trong kháng chiến, tuy còn nhỏ nhưng các em đã góp công sức và tính mạng của mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Những nhân vật trong cuốn sách, có em có tên tuổi nhưng cũng có em tác giả không biết rõ tên, điều này chứng tỏ những thành tích của các em trong kháng chiến, ở đâu cũng có, tưởng như viết không bao giờ hết.
Trong câu chuyện “Tấm ảnh” chúng ta sẽ được gặp em Sáu Tâm ở Sài Gòn, 14 tuổi em làm liên lạc. Em bị địch bắt trong một trận đán và bị tra khảo dã man. Mỗi lần bị tra tấn, em nhất định không khai mà đều hô lớn: “Cụ Hồ muôn năm”. Có lần, địch đặt tấm hình Cụ Hồ trên sàn gạch và bảo Sáu Tâm: “Mày bước qua hình Cụ Hồ thì tao sẽ thả mày ngay”. Thế nhưng, Sáu Tâm bước tới trước tấm ảnh Bác, cúi xuống, hai tay nâng ảnh Cụ Hồ, Tâm ngồi nghiêng trên sàn gạch và đội tấm ảnh lên đầu. Bọn mật thám chưng hửng, chúng dùng giày đinh, roi gân bò tới tấp quật xuống Tâm. Tâm ngã, ngất đi nhưng tấm hình Cụ Hồ vẫn ôm chặt trong ngực, không chịu buông. Khi hy sinh, trong túi áo của em Sáu Tâm người ta thấy có một tấm hình Cụ Hồ nho nhỏ.
Một câu chuyện khác vô cùng cảm động, khiến người đọc phải rùng mình, thương và khâm phục một em bé mà gan dạ, bị tra tấn dã man đến chết vẫn không khai, đó là “Anh hùng tý hon huyện Yên Lạc”. Trung đội dân quân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động trong lòng địch, rất gan dạ, dũng cảm, đã lập được nhiều chiến công, làm cho quân địch lúc nào cũng hốt hoảng cuống cuồng lên như bị con dao đâm vào lưng. Vì vậy, chúng phục kích khắp mọi nơi để bắt du kích. Một đêm, chúng bắt được một em nhỏ. Chúng hỏi: “Mày là liên lạc Việt Minh phải không?”. Em lắc đầu. Chúng tra tấn em bé, nhưng em vẫn trả lời có thế. Chúng cắt cả hai tai em bé. Em bé cũng trả lời có thế và lắc đầu. Rồi chúng cắt mũi em bé, em bé nhắm mắt không trả lời gì nữa. Cuối cùng chúng cắt lưỡi và treo ngược em lên xà nhà. Chúng lấy dao cắt tiết em. Em đã chịu chết và vẫn im lặng. Đêm sau, trong căn cứ du kích của huyện Yên Lạc đã tổ chức một cuộc mít tinh truy điệu trọng thể. Trong cuộc mít tinh ấy, nhân dân dã truy tặng em là “Anh hùng tý hon huyện Yên Lạc”.
Một câu chuyện thú vị về “em bé huyện Lệ Thủy”. Em chưa đầy 9 tuổi, em chăn trâu ngoài đồng. Ngày nào em bé cũng trông thấy Tây vào các làng rồi lôi từ trong làng ra bao nhiêu đồ đạc, lại còn trói người mang theo. Chúng để lại sau lưng những người kêu khóc và những đám nhà cháy. Nhìn vào trong làng em biết rất nhiều chuyện. Em biết bọn giặc vào làng cướp của, giết người, em căm thù bọn giặc. Một lần, em gặp một đơn vị bộ đội bí mật hoạt động trong làng, em rất vui. Khi thấy có vài tên lính Pháp đi tuần qua, chúng hỏi em: Có thấy Việt Minh trong làng không? Quả thực, em thấy rất nhiều Việt Minh trong làng, hàng trăm bộ đội. Hiện giờ em chỉ thấy có 7 tên lính Pháp. Em đoán: Các anh bộ đội đông như thế, chắc chắn sẽ giết được mấy thằng Pháp này. Em liền nói với lính Pháp: “Có thấy 2 người Việt Minh vào trong làng”. Bọn lính Pháp liền xông vào giữa xóm, bộ đội mình nấp trong bụi tre xả súng, bọn Tây chết hết. Em còn nhỏ mà rất nhanh trí. Em nói với bộ đội: “Em đưa nó đến đây để các anh bắn đấy”.
Trong tập sách này, bạn đọc còn được gặp rất nhiều các em thiếu nhi gan dạ, dũng cảm khác ở khắp mọi miền đất nước. Như em Dính, 16 tuổi người Mèo tỉnh Lai Châu. Năm 1949, khi bộ đội ta đến bí mật hoạt động ở vùng đó, em Dính ra sức tiếp tế, đưa tin, dẫn đường cho bộ đội. Không may, em bị giặc bắt, chúng tra tấn dã man, đánh què 2 chân, nhưng em không chịu khai gì cả. Giặc tức giận treo em lên cây rồi bắn chết. Em Cấp người Mán tỉnh Lạng Sơn, 14 tuổi em tham gia du kích. 15 tuổi, giật mìn làm 5 tên giặc bị thương và 5 tên chết. Em rất gan dạ và vui vẻ. Một mình em đã vượt qua vòng vây của địch để đưa tin cho bộ đội ta. Năm 1952, em Cấp đã oanh liệt hy sinh khi làm nhiệm vụ. Em Mấn ở Hòa Bình, nhanh nhảu, gan dạ, chịu khó, 13 tuổi xin vào bộ đội làm liên lạc và tham gia đánh giặc. Mấn đã tiêu diệt và bắt sống được một số giặc, cướp được súng và lập chiến công. Trong chiến dịch Hòa Bình, Mấn bơi qua sông lấy được một chiếc ca nô của địch.
Vẫn còn nhiều những tấm gương tuổi nhỏ nhưng ý chí không hề nhỏ, dũng cảm kiên cường, gan dạ, nhanh trí được tác giả kể lại trong tập sách này, như: Em Trần Thị Thanh, Đặng Thị Phẳng ở Nghệ An; Em Định ở Quảng Trị; Những trẻ bán báo ở Sài Gòn; Hai em ở Trung Hà; Đội thiếu nhi ở Kiến An… Bạn đọc hãy tìm đọc cuốn sách “Tuổi nhỏ trí cao” để được gặp những gương mặt thiếu nhi tiêu biểu trong kháng chiến nhé!
Với 28 câu chuyện nho nhỏ, ngắn gọn, giản dị nhưng ý nghĩa, phản ánh tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường, quyết tâm học tập chăm ngoan…Qua đó, ghi nhận những đóng góp của thiếu nhi trong kháng chiến, từ Bắc tới Nam, ở bất cứ nơi đâu, tưởng như không bao giờ hết. “Tuổi nhỏ chí cao” của nhà văn Tô Hoài có thể xem là tập tư liệu quý giúp bạn đọc hiểu thêm về truyền thống cách mạng của thiếu nhi Việt Nam trong khoảng những năm 1945-1950.
Cuốn sách “Tuổi nhỏ chí cao” của nhà văn Tô Hoài hiện đang được phục vụ tại phòng thư viện nhà trường.
Cuối cùng xin chúc sức khỏe các thầy cô giáo, chúc các bạn học sinh một tuần học mới đạt được kết quả cao.
SDD/326