TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HỒNG HƯNG
55 XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
<1959-2014>
Trường Trung
học cơ sở Hồng Hưng được chính thức ra đời từ tháng 9/1959. Khóa đầu tiên của
trường chỉ có 02 lớp với gần 90 học sinh, 02 giáo viên là thầy Phạm Văn Nhuần
vừa là Hiệu trưởng vừa giảng dạy và thầy Phạm Thanh Hồng dạy Toán. Địa điểm học
tại đình Thôn Thị Xá ( năm học 1959-1960 và 1960-1961)
Đến
năm học 1961 - 1962, do số lớp tăng lên, ngôi đình Thị Xá không đủ lớp học, đã
được chính quyền địa phương quyết định chuyển ra địa điểm mới Chùa Gôi hiện nay
với 6 lớp, 240 học sinh, 13 giáo viên, do thầy Nguyễn Đình Khích ( quê ở Gia
Tân - Gia Lộc) làm Hiệu trưởng.
Thời
kì đầu ( từ năm học 1959 - 1960 đến năm học 1965 - 1966), trường cấp II Hồng
Hưng là mái trường chung của học sinh 5 xã: Hồng Hưng, Hoàng Diệu, Thống Kênh,
Toàn Thắng và Đoàn Thượng.
Từ
năm học 1966 - 1967,các xã bạn đã mở trường cấp II riêng nên trường cấp II Hồng
Hưng chỉ còn dạy học sinh xã nhà.
Từ
năm học 1964 – 1965, giặc Mĩ thua đau tại chiến trường miền Nam, chúng điên
cuồng cho máy bay ra đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc
cho tiền tuyến lớn miền Nam. Lúc này ngoài nhiệm vụ dạy và học, các thầy cô
giáo và học sinh phải khẩn trương lao động ngày đêm đào hào, làm hầm kèo nhà để
sơ tán lớp khi có máy bay địch đến ném bom đánh phá bất thường. Trên vai thầy
trò ngoài cặp sách còn mang theo túi bông băng, trên đầu thầy trò chiếc mũ rơm
thay thế mũ cát…Tuy gian khổ là thế, nguy hiểm là thế nhưng lớp học ngày ngày
vẫn đủ mặt học sinh, tiếng đọc bài, tiếng giảng của thầy, cô, tiếng hát vẫn
ngân vang, bay cao, bay xa!
Đặc
biệt năm học 1971 – 1972, máy bay Mỹ đã đến ném bom ở Ấp Đạo ( cách trường
khoảng 1km ) nhưng thầy trò đã kịp thời sơ tán nhanh, gọn xuống hầm nên không
xảy ra tai nạn.
Để
đảm bảo an toàn cho thầy và trò trước sự điên cuồng của đế quốc Mỹ, năm học
1972 - 1973, chính quyền xã quyết định dời trường về thôn Cát Hậu ( vị trí hiện
nay ). Mặc dù cơ sở vật chất nhà trường lúc này còn gặp rất nhiều khó khăn,
thiếu thốn nhưng thầy trò vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường, thi đua "dạy
tốt, học tốt".
Cuộc kháng
chiến chống Mỹ toàn thắng, non sông Việt Nam thu về một mối. Đây là bước
ngoặt lịch sử của đất nước ta đồng thới cũng là bước ngoặt của Trường cấp II
Hồng Hưng. Năm học 1975 – 1976, do cải cách giáo dục, trường cấp I và trường
cấp II sáp nhập thành trường Phổ thông cơ sở Hồng Hưng.
Đến
năm học 1991 - 1992 Trường PTCS lại tách ra thành hai trường: Trường Tiểu học
và Trường Trung học cơ sở Hồng Hưng ngày
nay.
* * * * * * * * *
55
năm qua, trường Trung học cơ sở Hồng Hưng đã ra trường được 48 khóa học với gần
năm nghìn học sinh. Có em đang tiếp tục học tiếp lên THPT, Cao đẳng, Đại học,
song phần lớn đã bước vào cuộc sống công tác và làm việc ở hầu hết các doanh
nghiệp, công ty,cơ quan nhà nước, quân đội, công an hoặc đang du học ở nước
ngoài.
Dù
đang ở đâu, những học sinh của trường cũng luôn luôn tu dưỡng đạo đức, trau dồi
tri thức, phấn đấu vươn lên thành danh, thành đạt ở mọi cương vị công tác và
luôn hướng về mái trường thân yêu!
Học
sinh nhà trường trong những năm chống Mỹ cứu nước, rất nhiều người đã biết gác
lại việc học tập, xung phong nhập ngũ vào quân đội, " xẻ dọc Trường Sơn đi
cứu nước". Số lượng học sinh tham gia quân đội lên tới nghìn người. Nhiều
học sinh đã anh dũng chiến đấu góp phần làm nên " Đại thắng mùa xuân
1975". Nhiều học sinh đã hi sinh anh dũng hoặc để lại một phần xương thịt
trên chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quê hương Hồng Hưng đã đóng
góp với cả nước 141 liệt sĩ, 51 thương binh mà hầu hết là học sinh trường THCS
Hồng Hưng.
Những
học sinh ở lại hậu phương thì hăng say công tác, thi đua " mỗi người làm
việc bằng hai vì miền Nam
ruột thịt". Nhiều học sinh đã thành đạt, thành danh trong các lĩnh vực
công tác. Nhiều học sinh đã phấn đấu trở thành cán bộ lãnh đạo từ Trung ương
đễn cơ sở, tiêu biểu như: Thiếu tướng quân đội Lê Xuân Thu ( thôn Cát Tiền );
Đại tá công an nhân dân Lê Văn Luận ( thôn Hoàng Xá ); Giáo sư – tiến sĩ triết
học Lê Minh Quân - Học viện quốc gia hành chính Hồ Chí Minh; nguyên thường vụ
Tỉnh ủy - Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương Lê Văn Tuyến; Nguyên thường vụ
Tỉnh ủy, Giám đốc công an Tỉnh Hải Dương Hà Xuân Trí (thôn Cát Hậu) ; Ủy viên
BCH Tỉnh ủy Hải Dương ( Khóa XV) - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc
Nguyễn Đức Thăm ( thôn Phương Bằng ); Nguyên thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch UBND
huyện Gia Lộc Phạm Thế An ( thôn Hoàng Xá ); Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch
thường trực UBND huyện Gia Lộc Lê Văn Tuấn ( thôn Phương Bằng ) ... Những tấm gương tiêu biểu trên là niềm tự hào
lớn đối với các thế hệ học sinh trường THCS Hồng Hưng, làm rạng rỡ thêm truyền
thống hiếu học của nhân dân xã Hồng Hưng chúng ta!
* * * * * * * * *
55
năm qua, trải qua từng bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, trường THCS Hồng
Hưng đã từng bước khẳng định chính mình: “ Dù khó khăn đến đâu nhưng thày
và trò nhà trường vẫn dũng cảm vượt qua,
thi đua dạy tốt, học tốt để xứng đáng với quê hương Hồng Hưng “ hiếu học- anh
hùng”.
Liên tục các năm học 1960 - 1961; 1961 - 1962; 1962 - 1963; 1963 - 1964;
1964 - 1965; 1967 - 1968; 1969 - 1970: nhà trường đều đạt danh hiệu “Trường
tiên tiến”; học sinh Nguyễn Công Toàn ( Khoá 3) là học sinh “Xuất sắc toàn
diện” được Bác Hồ khen.
Năm học 2005-2006 và 2012-2013 nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể Lao động
tiên tiến”.
* Tổ Khoa học Tự nhiên đạt danh hiệu “Tổ lao động XHCN” các năm học: 1963
- 1964; 1967 - 1968; 1981 - 1982; 1982 - 1983.
- Các năm học 2005-2006; 2006-2007; 2007-2008; 2008-2009; 2009-2010;
2010-2011: Đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến.
* Tổ Khoa học Xã hội năm học 2005 - 2006 đạt danh hiệu “Tập thể lao động
tiên tiến”.
* Chi bộ nhà trường: Nhiều năm đạt danh hiệu “ trong sạch vững mạnh”. Năm
2013: Đạt vững mạnh xuất sắc.
* Công đoàn; Đoàn thanh niên; Đội thiếu niên nhà trường nhiều năm đạt vững
mạnh.
Sự trưởng thành và lớn mạnh của trường THCS Hồng Hưng hôm nay là nhờ sự
lãnh đạo của Đảng bộ Hồng Hưng, sự chăm lo chu đáo của nhân dân Hồng Hưng, lòng
nhiệt tình, tâm huyết của các thầy, cô là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng qua
các thời kỳ cùng hàng trăm các thầy, cô giáo kế tiếp nhau say sưa dạy dỗ các
lớp học sinh qua các thời kỳ của trường THCS Hồng Hưng; là nhờ sự phấn đấu
không mệt mỏi, sự hy sinh lớn lao của lớp lớp các thế hệ học sinh đã làm rạng
danh cho trường THCS Hồng Hưng và quê hương Hồng Hưng. Nhiệt tình đó, tâm huyết
đó sẽ tạo nên niềm tin và sức mạnh cho nhà trường hôm nay noi gương, tiếp bước
đi lên để đạt thành tích cao hơn.
* * * * * * * * *
Hồng Hưng là một miền quê nghèo, kinh tế thuần nông, đời sống của nhân
dân còn khó khăn. Chính nơi đây: “ Khó khăn nhiều hơn thuận lợi; cơ hội ít hơn
thách thức”, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hồng Hưng qua các nhiệm kỳ, công
tác giáo dục đều được các nghị quyết Đảng bộ đặc biệt quan tâm với nhận thức: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự
phát triển”. Đặc biệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV nêu rõ: “ Không ngừng
nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, trọng tâm là chất lượng
đạo đức và văn hoá, sức khoẻ thẩm mĩ, tình yêu quê hương đất nước. Nâng cao
chất lượng đại trà, tập trung mũi nhọn học sinh giỏi để có nhiều học sinh giỏi
đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động nói
không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Chăm lo xây
dựng đội ngũ giáo viên. Phấn đấu trường Mầm non. trường Tiểu học, trường THCS
đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt công tác
xã hội hoá giáo dục, thường xuyên chăm lo về tinh thần, vật chất cho sự
nghiệp giáo dục, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài…”
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đảng bộ Hồng Hưng lần thứ XXIV; sự quan tâm chỉ
đạo sâu sát của Đảng uỷ, sự cố gắng vươn lên của các thầy, cô giáo, năm học
2012-2013 cả ba trường trong xã đều đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến và
Trường Tiểu học đã vinh dự trở thành Trường chuẩn quốc gia mức độ I. Điếu đó,
thể hiện rõ sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của sự nghiệp giáo dục xã nhà.
Nhớ lại chặng đường dài 55 năm nhà trường xây dựng và trưởng thành, lại
xúc động vô cùng khi nhớ tới các thầy, cô giáo và các học sinh của mái trường
này đã qua đời, vĩnh viễn không thể nào gặp lại nữa, nhưng tình cảm và chiến
công của các thấy cô và các em học sinh ấy vẫn còn sống mãi trong tình yêu
thương của mỗi chúng ta, không thể nào phai mờ được !
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, sự nghiệp giáo dục của đất
nước đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ theo mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ
XI là: “Chiến lược đổi mới giáo dục toàn diện 2011-2020” làm cho nền giáo dục
nước ta sánh vai cùng nền giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới!
Thầy và trò trường THCS Hồng Hưng xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới sự
quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện giúp đỡ nhà trường của Đảng, Nhà nước, của các
cấp Đảng uỷ, chính quyền địa phương, của ngành giáo dục, của nhân dân trong
suốt 55 năm qua!
Chặng đường sau 55 năm xây dựng và phát triển của trường THCS Hồng Hưng
sẽ lại tiếp tục mở ra. Những thời cơ, thách thức mới đang ở phía trước. Thày và
trò nhà trường đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm tốt trong
giai đoạn tới là tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, giữ vững và nâng cao chất
lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn, quan tâm giáo dục kĩ năng sống và
đạo đức học sinh, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường ngày một khang trang, hiện
đại hơn, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Tương lai đang chờ đón. Các thế hệ thầy và trò trường THCS Hồng Hưng luôn
vững tin tiến lên phía trước.
Hồng Hưng, ngày5 tháng 3 năm 2014