Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Mỗi độ tết đến xuân về, trong cái rạo rực - náo nức của trời đất lúc giao hoà, nhân dân ta lại mừng Đảng, mừng xuân. Từ ngàn đời nay, trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam, mùa Xuân tượng trưng cho sức mạnh, sự trẻ trung và những gì tốt đẹp nhất: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân". Và cách mạng Việt Nam cũng bắt đầu từ một mùa xuân - đó là mùa xuân năm 1930 Đảng ta ra đời như một vầng dương tỏa sáng, như ngọn đuốc hào quang xua đi cái đêm dài nô lệ của dân tộc, và từ đây ngọn đuốc ấy mãi mãi soi sáng dẫn lối, đưa đường, đưa con thuyền cách mạng đến bờ vinh quang. Trong không khí cả nước đang tưng bừng mừng Đảng mừng xuân. Thư viện nhà trường xin trân giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Chuyện kể về Trần Phú”. Cuốn sách dày 97 trang, khổ sách 17cm do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2000.
Hai tác giả Lê Quốc Sử và Phạm Đức Dương đã mang đến cho chúng ta bức chân dung sống động, chân thực và gần gũi về bác Trần Phú từ ngày cậu bé Phú cất tiếng khóc chào đời đến ngày bác Trần Phú hi sinh. Bác Trần Phú (bí danh Lý Quý), sinh ngày 01 tháng 5 năm 1904 tại thôn An Thổ, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ và thân mẫu của bác Trần Phú là ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát. Mồ côi cha khi mới hơn 4 tuổi, cậu bé Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập theo tấm gương của cha mẹ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, lớn lên tham gia cách mạng, với những công lao và đóng góp to lớn, bác Trần Phú đã được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 10- 1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, bác Trần Phú đã cống hiến hết mình trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Bác Trần Phú là người cộng sản mẫu mực, nêu tấm gương kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Bác bị địch bắt ở Sài Gòn ngày 18- 4- 1931. Thực dân Pháp đã không từ một thủ đoạn dã man, xảo quyệt nào hòng khuất phục bác. Bác Trần Phú cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vạch mặt chế độ lao tù dã man, vô nhân đạo của kẻ thù, tổ chức những buổi huấn luyện chính trị ngay trong nhà tù của đế quốc Pháp. Sự tra tấn dã man và đày ải của kẻ thù đã cướp đi Tổng Bí thư Trần Phú vào ngày 6-9-1931. Trước lúc hi sinh, bác Trần Phú đã nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu.” Có thể nói, bác Trần Phú của chúng ta, cả cuộc đời đi tìm chân lí, tìm con đường đi đúng đắn cho con thuyền giải phóng dân tộc, sớm được giác ngộ cách mạng, bác giành hết tâm sức công việc, cho lí tưởng.
Bạn đọc thân mến!
Cuốn sách Chuyện kể về Trần Phú được chia thành nhiều phần khác nhau, mỗi phần tương ứng với một giai đoạn trong cuộc đời ngắn ngủi 27 năm của bác. Cuốn sách gồm 6 phần:
Phần 1: Nước mất nhà tan.
Phần 2: Tìm đường cứu nước.
Phần 3: Theo đường cứu nước của Lê-nin.
Phần 4: Lấy nhà giặc làm bản doanh cách mạng.
Phần 5: Luận cương chính trị - cống hiến to lớn đối với cách mạng toàn Đông Dương.
Phần 6: Một lòng trung thành vô hạn với Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, Đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng". Trong bài tưởng nhớ Đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm giương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương".
Với cách trình bày ngắn gọn song cũng rất đầy đủ, hi vọng cuốn sách sẽ là một tài liệu tham khảo có giá trị đối với bạn đọc khi tìm hiểu về bác Trần Phú. Các bạn hãy đến thư viện trường tìm đọc cuốn “ Chuyện kể về Trần Phú” để hiểu hơn nữa về những việc bác Trần Phú đã làm cũng như những đóng góp, hi sinh của bác đối với Đảng và nhân dân Việt Nam nhé.
Cuối cùng xin chúc các thầy cô giáo sức khoẻ, chúc các bạn học sinh yêu sách và học tập tốt. Xin trân trọng cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các thầy cô giáo và toàn thể các bạn học sinh
STK-254